LTS: Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt rác thải sinh hoạt, tại các đô thị lớn đã đến mức báo động. Thời gian qua, việc xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu là chôn lấp. Điều này, như nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, vừa tốn đất, vừa gây ra ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm, không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Vậy chúng ta phải đối xử với rác thải như thế nào để giảm thiểu những tác hại của nó?
TS Lê Văn Khoa, giám đốc quỹ Tái chế chất thải TP.HCM
“Phân loại rác tại nguồn không quá khó để làm, không nên sa đà vào vấn đề không có tiền khiến chương trình luẩn quẩn mãi, không có lối ra như hiện nay”, TS Lê Văn Khoa, giám đốc quỹ Tái chế chất thải TP.HCM chia sẻ với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị như vậy khi nói về nhiệm vụ tái chế chất thải hiện nay của thành phố còn thiếu tầm nhìn.
Phân loại rác và thực hiện biện pháp 3T: “tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải” . Ảnh: Lê Quỳnh
Theo ông Khoa, cái chính là thành phố phải nhanh chóng có quy hoạch dài hạn về tái chế chất thải thì hoạt động tái chế mới phát triển được. Chứ những gì mà chúng ta khơi lên được thì cũng nhanh chóng chìm xuống thôi.
Ông có thể đưa ra một định lượng lợi nhuận thu được nếu thành phố làm tốt được việc tái chế chất thải?
60% những thứ bị vứt vào thùng rác có thể tái chế. 50% rác thải gia đình có thể làm phân compost. 100% thuỷ tinh đã sử dụng có thể tái chế (thuỷ tinh cho vào bãi chôn lấp không bao giờ phân huỷ được). Giấy tái chế chỉ cần 70% năng lượng và sinh ra ít hơn 73% ô nhiễm so với việc sản xuất giấy từ nguyên liệu thô. Tái chế một hộp thiếc có thể tiết kiệm năng lượng đủ để mở tivi trong ba giờ đồng hồ. Tái chế một chai thuỷ tinh có thể tiết kiệm năng lượng để phát cho máy tính trong 25 phút. Tái chế một chai nhựa có thể tiết kiệm năng lượng đủ để phát bóng đèn 60W trong ba giờ đồng hồ. Tái chế tốt dựa trên phân loại rác tại nguồn tốt.
Tuy nhiên, hiện nay chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố sau bảy năm thí điểm vẫn chưa có lối ra?
Hiện nay chúng ta chỉ mới làm được việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Tôi cho rằng chúng ta không nên sa đà vào chuyện “hai thùng rác cho phân loại” hay không có tiền như hiện nay. Các đường dây rác hiện có vẫn tiếp tục công việc của mình với việc thu gom rác hữu cơ. Còn với rác vô cơ, tại sao chúng ta không tổ chức cho các đơn vị đấu thầu thu gom, bởi đây là một nguồn tài nguyên cơ mà. Thay vì phải mua thì bây giờ anh được lợi qua việc thu gom.
Theo ông, doanh nghiệp mặn mà không khi rác thải hiện nay đã được “phân loại” trước một bước?
Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc thu gom rác vô cơ, dù ít giá trị. Để phân loại rác tại nguồn được, nhà nước chấp nhận bù lỗ cho các doanh nghiệp… Việc thu gom các loại rác thì có thể làm như các nước là thu theo giờ. Ở các nước càng văn minh thì việc phân loại rác càng chi tiết. Tất nhiên, việc giáo dục dân phân loại rác tại nguồn phải mưa dầm thấm lâu. Nhưng bên cạnh đó phải có giải pháp chế tài, xử phạt. Xu hướng của các nước trên thế giới là khi ý thức lên thì mới giảm chế tài. Cứ làm đúng thì dân ủng hộ. Cái chính là có chịu làm hay không thôi!
Nguồn: SGTT