Theo GS.TS Trần Đức Hạ, các loại bùn thải từ hệ thống thoát nước được phân loại theo sơ đồ sau đây:
Sự hình thành các loại bùn thải từ hệ thống thoát nước
Như vậy, các loại bùn thải từ hệ thống thoát nước bao gồm:
– Bùn thải bể tự hoại
– Bùn thải mạng lưới thoát nước (bùn thải cống thoát nước và kênh hồ thoát nước)
– Bùn thải các nhà máy XLNT.
Phân bùn và bùn bể tự hoại
Phân bùn là loại bùn là hỗn hợp bùn, phân và chất lỏng thu được từ hệ thống vệ sinh tại chỗ, riêng lẻ như nhà xí, nhà vệ sinh công cộng, bể tự hoại và hố xí dội nước. Theo các báo cáo gần đây, ở nhiều thành phố có từ 50 đến 80% hố xí tự hoại, 15 đến 30 % là hố xí thùng đơn hoặc kép. Số còn lại không có hệ thống xử lý chất thải một cách có tổ chức. Tuy nhiên số lượng bể tự hoại ngày càng gia tăng.
Phần chất rắn trong bùn thải bể tự hoại là 660 g/kg, tỉ trọng điển hình của bùn thải bể tự hoại là 1,4 – 1,5 T/m3. Độ ẩm W = 90 – 95%.
Bùn thải mạng lưới thoát nước
Trong tuyến cống thoát nước chung của đô thị mật độ dân số 100 – 200 người/ha, thể tích bùn thải với độ ẩm 92% là 0,4 đến 1,0 L/người.ngày.
Bùn thải phân bố không đều trên HTTN từ các tuyến cống đến sông, mương và hồ. Thành phần bùn thải thay đổi nhiều theo chiều dài tuyến cống, thời gian mùa mưa và cường độ trận mưa. Về mùa khô, cống thoát nước tiếp nhận các loại nước thải và nước rửa đường, tưới cây. bùn thải chủ yếu tập trung vào đầu tuyến cống với độ ẩm không lớn và tỷ lệ vô cơ cao. Đầu mùa mưa, lượng bùn thải trong cống thoát nước tăng lên rõ rệt. Trong mùa mưa, bùn thải có hàm lượng hữu cơ cao và tập trung nhiều trên kênh mương và ao hồ đô thị.
Các loại bùn thải trên, bùn thải trong mạng lưới thoát nước (cống, kênh mương và hồ) không tập trung, khó thu gom và thành phần phức tạp nhất. bùn thải từ các đường ống, các kênh mương tiêu thoát nước thường chứa nhiều thành phần hữu cơ, vô cơ và thường được phân huỷ tự nhiên, dễ gây mùi khó chịu. Các phần tử vô cơ từ nước thải sinh hoạt, từ bề mặt theo nước mưa, có tỷ trọng lớn thường tích tụ đầu mạng lưới thoát nước. Số lượng thành phần bùn cống thoát nước phụ thuộc vào tình trạng vệ sinh môi trường đô thị, đặc điểm HTTN và cấu tạo, chế độ vận hành duy tu cống thoát nước và điều kiện khí hậu thời tiết. bùn thải cống thoát nước tỷ trọng lớn hàm lượng chất hữu cơ cao, có lượng cát lớn, dễ gây lắng cặn trong cống, cản trở dòng chảy.
Bùn thải thoát nước có độ ẩm lớn, thành phần hữu cơ cao, nhiều vi khuẩn gây bệnh, trứng giun sán và có mùi hôi, khó chịu. Khi lắng đọng trong sông hồ, bùn thải sẽ làm giảm sút oxy và mất cân bằng sinh thái trong nguồn nước mặt. Với số lượng lắng đọng lớn, bùn thải trên mạng lưới thoát nước gây cản trở dòng chảy, hạn chế điều kiện tiêu thoát nước, đặc biệt là thời gian đầu mùa mưa.
Độ ẩm của bùn thải cống thoát nước và sông mương khoảng 75 – 92%. Hàm lượng chất rắn trong bùn cống cao hơn nhiều so với bùn kênh mương. Khi nạo vét để vận chuyển, độ ẩm còn lại khoảng 50 – 80%.
Các tính chất hóa học biểu thị sự có mặt của các hợp chất hóa học trong bùn và khả năng tái sử dụng bùn. Các thông số chung thường được phân tích là mùi, hàm lượng chất hữu cơ, Nitơ, phốt pho, kim loại điển hình, trứng giun sán,…. Thành phần hữu cơ và dinh dưỡng của các loại bùn thải thoát nước được nêu trong Bảng 1.
Bảng 1. Thành phần hữu cơ của phân bùn cống rãnh (% trọng lượng khô)
Loại bùn/cặn | Chất hữu cơ | Nitơ tổng số | Phot pho tổng số |
Bùn cống | 25-40 | 1,4 – 2,0 | 1,3 – 1,9 |
Bùn mương | 45-65 | 2,7-3,5 | 2,1 – 3,3 |
Bùn ao hồ | 55 – 75 | 2,9 – 4,3 | 2,6 – 3,8 |
Nhìn chung bùn thải từ các hệ thống cống, mương, ao hồ đều có hàm lượng chất hữu cơ tương đối cao, các chất dinh dưỡng (N, P) đều cao là điều kiện tốt để định hướng sử dụng làm phân bón cho nông nghiệp.
Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng kim loại nặng trong bùn thải hệ thống thoát nước đô thị không vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 50:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước. Các số liệu về hàm lượng kim loại nặng bùn thải cống và kênh mương thoát nước một số đô thị được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2. Thành phần kim loại nặng trong bùn thải cống thoát nước đô thị
TT | Chỉ tiêu | TP.Hồ Chí Minh (1) | Hà Nội (2) | TCCP (3) | Ngưỡng nguy hại (4) |
1 | As, mg/kg | 0,078 | 4,72 | 12 | 40 |
2 | Hg, mg/kg | 0,021 | 1,58 | 4 | |
3 | Pb, mg/kg | 0,10 | 28,5 | 70 | 300 |
Ghi chú: (1). bùn thải cống thoát nước phố Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh [6]; (2). Bùn kênh TE trên sông Tô Lịch [3]; (3). Tiêu chuẩn đối với đất nông nghiệp theo QCVN03:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất; (4)- Hàm lượng tuyệt đối cơ sở tính theo QCVN 50:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước.
Trong nước mưa đợt đầu và nước rửa đường, hàm lượng chất rắn lơ lửng rất cao và chúng dễ lắng trong đường cống thoát nước. Thành phần của bùn thải chủ yếu là chất vô cơ như các loại cát, đất, xỉ,… bùn thải cống thoát nước mưa cũng chứa hàm lượng chất hữu cơ tương đối lớn, phụ thuộc vào tình trạng vệ sinh môi trường đô thị, đặc điểm mặt phủ đô thị, thời gian tích tụ chất bẩn và cường độ trận mưa. Các nghiên cứu về HTTN Hà Nội, Hải Phòng và một số đô thị khác khu vực phía Bắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Xây dựng) cho thấy, thành phần bùn thải thay đổi nhiều theo chiều dài tuyến cống, thời gian mùa mưa và cường độ trận mưa. Về mùa khô, cống thoát nước tiếp nhận các loại nước thải và nước rửa đường, tưới cây. bùn thải chủ yếu tập trung vào đầu tuyến cống với độ ẩm không lớn và tỷ lệ vô cơ cao. Đầu mùa mưa, lượng bùn thải trong cống thoát nước tăng lên rõ rệt. Trong mùa mưa, bùn thải có hàm lượng hữu cơ cao và tập trung nhiều trên kênh mương và ao hồ đô thị.
Các loại bùn thải mạng lưới thoát nước có hàm lượng các chất độc hại không lớn nhưng lại có mùi hôi thối khó chịu (nhất là cặn tươi). Đó là sự biểu hiện trạng thái nguy hiểm về phương diện vệ sinh. Do vậy mà bùn thải cần thiết phải được xử lý phù hợp trước khi sử dụng làm phân bón hoặc cải tạo đất.
Bùn thải từ nhà máy xử lý nước thải
– Bùn sơ cấp: Bùn sơ cấp thường màu xám, nhớt, đa số trường hợp thường có mùi khó chịu. Bùn sơ cấp có thể được phân hủy trực tiếp trong điều kiện thích hợp.
– Bùn sau bể phản ứng hóa học: Bùn từ các bể phản ứng chứ thành phần kim loại thường có màu tối, mặc dù trên bề mặt chúng có thể có màu đỏ (do chứa nhiều sắt). Bùn chứa kiềm thường có màu xám – nâu. Mùi của loại bùn này gần giống với mùi bùn sơ cấp. Bùn có tính nhớt, và có chứa oxit sắt, nhôm nên có dạng sệt. Bùn lưu trữ trong bể sẽ tự phân hủy như bùn sơ cấp, nhưng chậm hơn. Qua thời gian, các chất khí bay hơi, tỉ trọng của bùn sẽ tăng lên.
– Bùn hoạt tính: Bùn hoạt tính có màu nâu. Màu đậm hơn thường chứng tỏ bùn đã bị phân hủy. Màu nhạt hơn thường chứng tỏ bùn đã qua phân hủy kỵ khí và sẽ lắng chậm hơn. Bùn hoạt tính ở trạng thái làm việc tốt có mùi nồng, như mùi đất. Bùn này có khả năng tự phân hủy, thường thối rữa rất nhanh, bốc mùi khó chịu.
– Bùn từ bể lọc sinh học nhỏ giọt: Bùn từ bể lọc sinh học nhỏ giọt có màu nâu, dạng bông, phân hủy chậm hơn so với các loại bùn khác vì đã phần nào ổn định. Có thể có nhiều giun.
– Bùn sau phân hủy hiếu khí: Bùn từ các bể phân hủy hiếu khí khi có màu nâu sẫm và dạng bông, không có mùi khó chịu, thường chỉ có mùi mốc. Loại bùn này có thể dễ dàng mất nước khi phơi.
– Bùn sau phân hủy kỵ khí: Bùn thừ các bể phân hủy kỵ khí có màu nâu sẫm đến đen thường chứa một lượng lớn khí. Khi bị phân hủy chúng hoàn toàn không có mùi rõ ràng. Bùn sơ cấp sau phân hủy kỵ khí thường tạo ra lượng khí nhiều hơn so với bùn hoạt tính.
– Phân ủ compost: Chất rắn sinh học sau khi ủ compost thường tạo ra các cục vón, màu nâu sẫm, nhưng cũng có thể có các màu khác tùy vào chất lượng ủ cùng (phân, rác hữu cơ,…) Phân ủ thường có mùi nồng, không có mùi khó chịu.
(Nguồn Wastewater Enginneering Treatment and Reuse – Metcalf & Eddy, 2003)
Xem thêm: